Anh chị đã từng nghe về BigData, nghe về AI (Trí tuệ nhân tạo) và rất nhiều thuật ngữ chuyên nghành nhưng những ví dụ, giải pháp cụ thể để ứng dụng vào doanh nghiệp của mình thì rất ít, đa phần các giải pháp chỉ tập trung vào các doanh nghiệp lớn. Vậy đâu là cơ hội giành cho các doanh nghiệp mới khởi nghiệp, các doanh nghiệp muốn cải tiến để bắt kịp xu hướng của toàn cầu?
Việc đi vào kỹ thuật để triển khai đó là giai đoạn sau khi các anh,chị đã hiểu vì sao mình phải ứng dụng, mô hình nào sẽ phù hợp với mình. Tại đây em xin nêu rõ các ví dụ trước khi mình đi vào bước triển khai:

1. Tiki, Lazada, Sendo, … luôn hiểu các sản phẩm mà các anh chị quan tâm, luôn hiển thị đúng sản phẩm mà các anh,chị đắng đo muốn mua.
Ứng dụng: Google Remarketing, thông qua cách set quảng cáo và thống kê.

2. Thế giới di động: tại sao gần đây mỗi nhân viên bán hàng đặt hàng cho khách bằng điện thoại cầm tay chứ không ghi giấy như ngày xưa? Tại sao thủ tục bảo hành chỉ cần cung cấp số điện thoại? Tại sao bạn vừa đọc số điện thoại 09xxxx, “Dạ em chào anh A, chị B, Cô C, Chú Đê …”? Và tại sao năm 202x các cửa hàng thế giới di động sẽ có ít nhân viên hơn, việc bán hàng vận hành nhanh hơn?

3. Agoda: luôn gửi các email chứa mã giảm giá các khách sạn mà các anh chị muốn book, trong lúc đặt phòng họ luôn có 1 bảng so sánh giá các khách sạn mà bạn đã từng xem mà phân vân chưa đặt.
Ứng dụng: Email marketing và Hệ thống thu thập hành vi, phân tích riêng của Agoda.

4. Jetstar, VietJet : 1 tuần trước khi chuyến bay khởi hành họ sẽ email cho bạn các email dạng “Bạn đã sẵn sàng cho chuyến bay đến …”, “Ngày này tuần sau bạn sẽ ở tại ….”
Ứng dụng: Email marketing và đồng bộ hệ thống đặt vé.

5. Bảng cho điểm thái độ phục vụ: tại sân bay quốc tế, tại cửa hàng bán hàng, tại ngân hàng …. đều có 1 máy tính bảng để sẵn các biểu tượng cảm xúc cho khách hàng sau khi được phục vụ cho điểm đánh giá.
Ứng dụng: đi sâu vào tâm thức về sự cảm nhận chất lượng phục vụ. Qua đó cải thiện chất lượng phục vụ.

6. Facebook: ngoài các thông tin về nhân khẩu học (tuổi, giới tính, vị trí địa lý, sở thích..) họ có thể phân tích các bức ảnh mà các anh chị up lên wall mình (ví dụ: trong hình có 1 người, đang đứng, ngoài trời, áo vest …) thông qua đó họ sẽ biết phong cách sống, lối suy nghĩ của bạn … qua đó hiển thị quảng cáo đúng với khách hàng của bạn và lấy đươc tiền từ túi bạn.
Ứng dụng: Trí tuệ nhân tạo, học từ các bức ảnh mẫu và thuật toán riêng để xác định đúng các thông tin từ bức ảnh của bạn. Qua đó sẽ tối ưu các quy trình kiểm duyệt ảnh quảng cáo, đặc biệt các ảnh nhạy cảm, sai chính sách, chứa bản quyền hẳn là không set quảng cáo được.

7. Amazon: thu thập các lượt xem, thời gian xem trang, kéo chuột, rê chuột, giá … để đưa ra các sản phẩm mà tỷ lệ đặt hàng cao nhất có thể. Kết hợp việc bán hàng thông qua link Affiliate đã tạo ra đế chế của Amazon như ngày nay.
Ứng dụng: hệ thống theo dõi hành vi của khách hàng.

8. Google: không cần phải nói nhiều hẳn là các anh,chị đều sử dụng hầu hết các dịch vụ từ: Gmail, Drive, Photo, Google Adwords, Google analytics … ngoài ra google còn rất nhiều dự án để thu thập dữ liệu của người dùng. Mỗi khi anh,chị đăng ký bất cứ sản phẩm gì của google họ đều bắt mình đọc chính sách bảo mật, chính sách sử dụng và mặc định các lựa chọn đều chọn sẵn đại loại “Đồng ý chia sẽ dữ liệu để google cải thiện sản phẩm”.
Ứng dụng: thu thập dữ liệu từ nhiều nơi, từ nhiều định dạng qua đó CÁ NHÂN HÓA trải nghiệm cho từng khách hàng của họ thông qua Machine Learning (máy học), thế giới có hàng tỷ người dùng, cả đội ngũ google không thể từng người chăm sóc hết được từng khách hàng.

Còn rất nhiều bài toán, trường hợp để ứng dụng Bigdata trong nhiều nghành nghề. Việc làm cần thiết nhất bây giờ là thu thập các dữ liệu thô xung quanh các hoạt động kinh doanh của anh,chị như email, thông tin nhân khẩu của các khách hàng, các thông tin tiếp cận từ việc chạy quảng cáo, khuyến mãi, tờ rơi … Sau đó bộ phận kỹ thuật có chuyên môn về BigData sẽ dựa vào dữ liệu thô để làm ra các dữ liệu thông minh mang tính hữu dụng cho các hoạt động kinh doanh.

Tóm gọn: tất cả các chiến lược nâng cao trải nghiệm cho khách hàng, cải thiện sự vận hành của doanh nghiệp bắt buộc phải dựa vào dữ liệu (dữ liệu thô có từ các hoạt động thu thập như: khuyến mãi, khảo sát, mua bán hàng, phân tích thị trường, phân tích đối thủ …) quan trọng nhất là từ hoạt động marketing online và cả offline, tại sao? Vì để marketing anh, chị đã phải bỏ tiền rất nhiều cho nhiều khâu (nội dung, hình ảnh, địa điểm, nhân sự …) Nếu không thu được đơn hàng/hợp đồng/phủ rộng thương hiệu thì ít nhất phải thu được hành vi của khách hàng thông qua đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ mới cải thiện được sản phẩm phù hợp với thị trường, vận hành tối ưu hơn.

Các ví dụ trên đi từ không data đến có data, chỉ nói về giá trị từ dữ liệu, không đi chuyên sâu về kỹ thuật nên các anh chị giỏi về kỹ thuật có thể “hạ hồi phân giải” ở các bài sau.Và em không làm mảng đào tạo nên cũng không phải “chiên gia”. Nếu em có bất kỳ sai sót rất mong nhận được góp ý chân thành.

Em xin cảm ơn các anh chị đã đọc, các bài viết về triển khai sẽ được đăng tải sau. Vì theo phân tích bigdata, khi các anh chị đọc đến đây thì hẳn đã nghĩ ra rất nhiều ý tưởng cho mình và khá thấm mệt.

Dương Tấn Đạt- Nguồn: Cộng đồng iSocial